Cách dạy bé ngồi bô đúng cách giúp mẹ nuôi con nhỏ tiện tham khảo của mecuteo.vn dưới đây tổng hợp ý kiến của nhiều bà mẹ đã dạy trẻ ngồi bô đúng cách thành công. Việc ngồi bô đúng cách không chỉ giúp bé dễ dàng đi vệ sinh hơn mà còn giúp bé có được những kỹ năng cơ bản của việc tự chăm sóc bản thân, bé ít phụ thuộc vào cha mẹ hơn. Dưới đây là những kinh nghiệm hay, các mẹ đang nuôi con nhỏ hãy tham khảo nhé.
Chia sẻ của bà mẹ dạy trẻ ngồi bô đúng cách theo phương pháp Nhật
Làm cha mẹ, ai cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Kể từ khi gia đình có thêm thành viên mới, cha mẹ phải bận tâm nhiều hơn đến việc dạy dỗ và chăm sóc bé. Bé từ 1 đến 3 tuổi là thời gian tốt nhất để cha mẹ tập cho bé thói quen sinh hoạt hàng ngày và kỹ năng sống cơ bản. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta đã không khai thác hết hoặc bỏ lỡ thời gian quan trọng này. Trong bài này, mình có đôi lời về chuyện tập cho bé ngồi bô đúng thời điểm. Bé nhà mình may mắn được tập ngồi bô đúng thời điểm nên mẹ đã thành công một cách dễ dàng. Việc tập ngồi bô cho bé dễ hay khó còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác, nhưng nếu được tập đúng thời điểm thì đa phần là dễ dàng hơn.
Bước 1: Tập cho bé ngồi vào bô
Ở bước này, mẹ tập cho bé quen với việc ngồi vào bô để đi vệ sinh.
Khi bé lên 1 tuổi, mẹ nên tập cho bé ngồi bô khi đi vệ sinh. Nếu mẹ có thể sắm cho bé một cái bô xinh xắn, có hình con thú dễ thương, ngộ nghĩnh, hoặc có nút nhạc vui tai, bé sẽ rất thích. Trước khi tập cho bé ngồi vào bô, mẹ nên trò chuyện với bé về chiếc bô ấy. Nhiều người cho rằng, bé 1 tuổi chưa thể hiểu được lời mẹ dạy, nhưng thực tế bé có thể tiếp thu rất tốt những bài học đầu đời. Và một khi đã bắt đầu cho bé ngồi vào bô, thì từ đó trở đi, cái bô sẽ là nơi đi vệ sinh của bé. Mẹ nên để bô đúng chỗ quy định, để giúp bé dễ dàng tìm đến cái bô khi có nhu cầu. Đồng thời, từ thời điểm này trở đi, mẹ luôn luôn hướng dẫn bé ngồi vào bô mỗi khi bé có nhu cầu. Mẹ nên hạn chế tối đa việc quay trở lại thói quen đi vệ sinh trước đó, để giúp bé nhanh chóng quen với việc đi vệ sinh bằng bô. Các mẹ có thể tùy vào đặc điểm của bé mà có những biện pháp tích cực giúp bé nhanh chóng quen với việc ngồi bô (động viên, ca hát, khen chiếc bô xinh …). Để việc đi vệ sinh bằng bô hiệu quả hơn, mẹ nên có lịch cho bé đi vệ sinh đúng giờ để cơ thể bé hình thành phản xạ tự nhiên. Thông thường, mẹ nên cho bé đi vệ sinh sau khi bé thức dậy, trước bữa ăn, và trước khi bé đi ngủ.
Bước 2: Tập cho bé ngồi lên bồn vệ sinh của người lớn
Ở bước này, mẹ dùng phần trên của cái bô đặt lên bồn vệ sinh của người lớn, rồi cho bé ngồi lên bồn vệ sinh.
Khi bé khoảng 1,5 tuổi, mẹ nên tập cho bé ngồi lên bồn vệ sinh của người lớn. Lúc đầu, bé có thể hơi sợ. Nhưng mẹ nên ngồi gần con và động viên con, dần dần bé sẽ hết sợ. Vậy là, từ bây giờ trở đi, mẹ không còn phải mất công mang bô của bé đi đổ và rửa ráy nữa. Bé đã biết ngồi lên bồn vệ sinh người lớn, và sau khi bé vệ sinh xong, mẹ nên tập cho bé thói quen giật nước. Lúc giật nước, hai mẹ con cùng bye bye các sản phẩm output của bé. Đó là hành động tích cực giúp bé nhanh quen với việc ngồi lên bồn vệ sinh người lớn mà quên đi nỗi sợ. Thậm chí bé có thể mong muốn vệ sinh nhanh để được giật nước và bye bye các sản phẩm output.
Bước 3: Bé tự ngồi lên bồn vệ sinh của người lớn
Mẹ dùng phần trên của cái bô đặt lên bồn vệ sinh của người lớn, phần dưới của cái bô làm thành một cái ghế thấp. Mẹ hướng dẫn bé bước lên cái ghế đó rồi tự ngồi lên bồn vệ sinh.
Bé 2 tuổi đến 2,5 tuổi có thể tự ngồi lên bồn vệ sinh người lớn bằng cách bước lên chiếc ghế thấp rồi ngồi lên bồn vệ sinh. Tuy nhiên, mẹ nên chú ý, để bảo đảm an toàn cho bé, chiếc ghế phải vững và không bị trượt. Do vậy, phần dưới của cái bô luôn có độ bám chắc xuống sàn nhà để bé không bị trượt khi đứng lên đó. Các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm. Mặc dù vậy, điều quan trọng là cha mẹ nên dạy cho bé hiểu được sự nguy hiểm và cách xử trí để bé biết đề phòng và xử lý tình huống.
Chiếc bô xinh được sử dụng từ khi bé lên 1 tuổi đến khi bé 6 tuổi theo 3 bước như trên.
Kinh nghiệm dạy trẻ ngồi bô chỉ trong 1 ngày
Tiếp tục là một kinh nghiệm hay của một bà mẹ khác nữa đã thành công trong việc dạy trẻ ngồi bô đúng cách và đúng thời điểm
Phương pháp này được gọi là phương pháp “một ngày” hay “ngày trọng đại”. Tên gọi để chỉ bước quan trọng nhất trong toàn bộ tiến trình, là ngày bé con của bạn sẵn sàng từ bỏ tã giấy để bắt đầu dùng đồ lót. Ngoài ra, còn có thêm giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn củng cố để bé quen với hoạt động ngồi bô.
Mẹ cần chuẩn bị những thứ sau để kích thích trẻ ngồi bô:
- Một con búp bê (nếu là bé gái có búp bê hay chơi thì rất tốt)
- Một cái bô ngộ nghĩnh (mẹ có thể dẫn con đi chọn bô cùng để con có thứ “ưng ý” nhất)
- Đồ lót cho con
- Thật nhiều loại nước mà con thích
Trước khi dạy trẻ ngồi bô, mẹ cần chắc chắn một số điều sau:
- Chắc chắn cả mẹ và con đều đã sẵn sàng và có đủ các đồ cần thiết.
- Con thực sự đã sẵn sàng cho việc ngồi bô. Viện hàn lâm nhi khoa Mỹ khuyến cáo khi bé khoảng 2 tuổi thì nên dạy ngồi bô.
- Tìm hiểu người anh hùng/thần tượng/người yêu thích nhất trong mắt con là ai. Điều này sẽ là động lực trong quá trình học của con.
Các bước dạy trẻ ngồi bô
Bước 1: Cho búp bê ngồi bô để dạy trẻ
- Bé con sẽ học cách ngồi bô qua việc mẹ dạy búp bê ngồi bô như thế nào. Dùng búp bê của con hay chơi, gọi tên con búp bê đó như bạn bè rồi cho nó uống nước. Mẹ hãy chơi cùng bé thật tự nhiên và khiến con thích thú.
- Sau đó, dẫn búp bê đến chỗ bô cùng với bé con. Kéo đồ lót của búp bê xuống và cùng con quan sát búp bê ngồi bô. Sau khi mẹ hoàn thành việc cho búp bê đi bô thì khuyến khích con tự cho búp bê đi bô đúng cách.
Bước 2: Tổ chức tiệc cho búp bê sau khi “búp bê đi vệ sinh xong”
- Khi búp bê đã ngồi bô thành công, hãy mở tiệc. Làm y như thật nhé. Các mẹ cũng dùng mũ chóp nhọn, các loại cài có tai hay sừng trên đầu, nhạc… Trong tiệc, đặt nhiều sự chú ý vào búp bê, tỏ vẻ ngưỡng mộ búp bê giờ đã lớn hơn rồi, để con hiểu rằng ngồi bô là một việc tốt, khiến con giống người lớn.
- Cho bé con biết rằng khi nào bé ngồi bô được như búp bê, mẹ cũng sẽ tổ chức tiệc như vậy. Không chỉ thế, bé còn có thể gọi điện thoại cho người anh hùng của mình để báo tin tốt nữa.
Bước 3: Thay tã giấy cho bé để chuẩn bị cho bé ngồi bô
- Ở bước 1, mẹ đã mặc đồ lót cho búp bê. Sau khi làm “công tác tư tưởng”, mẹ hãy thay tã giấy ra và mặc đồ lót cho con.
Bước 4: Cho con uống thật nhiều để kích thích việc đi vệ sinh nhanh hơn
- Cho con uống thật nhiều loại nước con thích. Con cần đi bô sớm bao nhiêu thì mẹ sẽ bắt đầu việc dạy con ngồi bô sớm bấy nhiêu.
- Trong khi chờ đợi, giả bộ búp bê buồn tè, buồn đi cầu, cần đi bô rồi mẹ và bé cùng lặp lại hành động cho búp bê ngồi bô khoảng 3 lần.
Bước 5: Dạy trẻ 10 lần đi bô cho một trình tự lặp đi lặp lại để hình thành thói quen ở trẻ
- Khi con có “nhu cầu”, hãy dẫn con đến bô, kéo quần lót của con xuống và cho bé ngồi. Nếu con tè ra quần hay ị đùn thì đừng la mắng. Thay vào đó, các mẹ vẫn hành động đúng các bước cho bé ngồi bô rồi lau rửa và thay đồ cho con.
- Làm điều này lặp đi lặp lại khoảng 10 lần, con sẽ nhớ khi nào cần phải đi bô. Mẹ cũng nên khuyến khích con mình luyện tập cách tự kéo quần lót xuống.
Bước 6: Làm tiệc chúc mừng trẻ khi trẻ đã ngồi bô thành công
- Khi con đã biết đi bô, theo lời hứa, mẹ hãy mở tiệc. Điều quan trọng là tìm một người đóng giả anh hùng của bé. Sau đó, gọi điện và cho bé nói chuyện với anh hùng ấy, kể về chiến tích của mình.
- Để củng cố, mỗi lần con đi bô thành công, mẹ nhớ phản hồi tích cực, khen và nựng con để con thấy thích.
- Nhiều mẹ khi con ngồi bô quen rồi thì cứ hay dọa kiểu tương tự như: “Rặn đi nhanh lên, ra không có con sâu nó cắn mông đấy.” Điều này hoàn toàn không nên, bởi như vậy sẽ khiến con sợ hãi, khiến suy nghĩ về cái bô của con cũng không tốt đẹp gì và “ngại” đi bô hơn.
Những điều cần lưu ý khi mẹ dạy trẻ ngồi bô
Bạn cần yên tâm rằng sớm muộn gì rồi con cũng sẽ biết ngồi bô, việc sợ hãi bô của con sẽ giảm bớt theo thời gian.
Không nên ép con ngồi bô quá sớm để quá trình dạy trẻ ngồi bô nhanh hơn
- Không nên ép trẻ ngồi bô khi bé chưa hoàn toàn sẵn sàng. Không có một độ tuổi cụ thể nào “quy kết” rằng bé phải ngồi bô. Bởi có những trẻ sẵn sàng ngồi bô từ rất sớm nhưng có trẻ thì muộn hơn hẳn. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em sẽ khỏe mạnh và sớm phát triển những kỹ năng cần thiết để bắt đầu quá trình đào tạo này khi bé ở giữa giai đoạn từ 18 tháng tới 3 tuổi.
- Hãy để ý rằng, khi bạn luyện bô cho bé trước khi con chưa sẵn sàng chỉ khiến quá trình này bị kéo dài, bạn sẽ thấy con bạn luôn cố tình ngắt quãng quá trình này và việc luyện tập bị lặp lại nhiều lần.
Bé không dễ chấp nhận một sự kiện mới nên cần tạo sự tự nhiên cho trẻ
- Bạn đừng khiến bé có suy nghĩ rằng luyện bô là một cuộc cách mạng, một sự kiện đột phá trong cuộc sống của mình. Cuộc sống còn rất lạ lẫm với bé, bất kỳ sự thay đổi lớn nào đều có thể khiến bé khó chịu và tạo nên những sự không hợp tác trong hành vi của bé. Bởi thế để bé chấp nhận sự kiện này, mẹ nên để bé từ từ làm quen và thích nghi với việc sẽ phải ngồi bô khi đại/tiểu tiện.
Trẻ thích thú ngồi bô cần được tập thêm 1 thời gian để quen với việc đi vệ sinh bằng bô
- Nếu con bạn tỏ ra thích thú khi ngồi bô, thì xin chúc mừng bạn, bạn là người mẹ may mắn và không phải trẻ nào cũng được như vậy. Tuy nhiên, thích thú vẫn chưa phải là một tín hiệu đủ cho biết bé đã sẵn sàng cho việc ngồi bô. Giống như bất kỳ giai đoạn phát triển khác, bé sẽ phải học cách kiểm soát bàng quang và ruột của mình, vì thế bạn hãy cho em bé một thời gian để làm quen với điều này.
- Bạn có thể kích thích sự quan tâm, chú ý của bé đến việc này thông qua những câu chuyện và sự khuyến khích, lời động viên.
Đừng nóng vội trước ảnh hưởng từ gia đình, bạn bè vì mỗi bé phát triển không giống nhau
- Bằng tuổi con mình, con bạn bè ai cũng đã biết ngồi bô nhưng con mình thì chưa. Bạn đang bị áp lực từ xã hội, gia đình về việc này, các chuyên gia y tế vẫn khuyên nhủ rằng bạn hãy cố gắng chờ đến khi bạn thấy những dấu hiệu con mình đã hoàn toàn sẵn sàng đón nhận sự việc này.
- Bạn đừng nóng vội, bạn hãy hình dung thế này, các liên kết giữa não và cột sống của bé sẽ không thể được thành lập cho đến khi bé được khoảng hai năm tuổi, các cơ kiểm soát bàng quang và trực tràng của một đứa trẻ chưa thể trưởng thành cho đến khi bé trên 18 tháng tuổi.
Không nên mắng mỏ trừng phạt khi bé không hợp tác trong việc ngồi bô
- Bé lờ tịt đi việc ngồi bô, bố mẹ dỗ dành kiểu gì bé cũng chẳng quan tâm… đây là tình hình chung mà nhiều gia đình gặp phải.
- Tức giận, mắng mỏ hay trừng phạt bé đều không làm cho quá trình này tốt đẹp hơn và diễn ra như mong muốn. Đứng trước những thái độ không hợp tác của con, nhiều bậc phụ huynh vẫn ép bé bắt buộc phải “ị” bô, tất nhiên điều này khiến bé sợ hãi khi nghĩ đến cái bồn cầu và bạn chắc chắn sẽ gặp thất bại tràn trề vì sự không hợp tác của bé.
- Bạn cần yên tâm rằng sớm muộn gì rồi con cũng sẽ biết ngồi bô, việc sợ hãi bô của con sẽ giảm bớt theo thời gian. Vì vậy cha mẹ cần giải quyết việc này một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng và tích cực.
- Bạn có thể thống nhất từ đầu với bé về địa điểm đặt bô theo ý muốn, ví dụ không phải nằm trong nhà vệ sinh mà đặt ở góc phòng – nơi bé có thể quan sát được các hoạt động của bố mẹ, nhìn thấy bạn đồ chơi thân yêu nằm trên giường, điều này có thể khiến bé yên tâm đi “ị”.
Với những chia sẻ kinh nghiệm dạy trẻ ngồi bô đúng cách cho các mẹ đang nuôi con nhỏ trên đây, hy vọng bạn sẽ thành công trong việc dạy trẻ ngồi bô đúng cách, để trẻ có thể tự chăm sóc cá nhân và phát triển hợp lý. mecuteo.vn mời các bạn tiếp tục theo dõi những bài viết khác của chúng tôi.