Hướng dẫn cách cho trẻ ăn dặm tốt nhất khi 6 tháng tuổi của mecuteo.vn gửi đến các bậc cha mẹ dưới đây sẽ phần nào giúp các bậc cha mẹ dễ dàng chăm sóc cho con yêu. Trẻ bước sang tháng tuổi thứ 6 đã có nhiều biến chuyển về thể chất, sẵn sàng cho quá trình ăn dặm, chính vì vậy các bậc cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ ăn dặm từ độ tuổi này để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con yêu, giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ. Các bậc cha mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây để chăm sóc, nuôi dạy trẻ thật tốt nhé.
Những dấu hiệu cho biết bé đã sẵn sàng cho quá trình
- Cân nặng của trẻ tăng gấp đôi so với khi sinh.
- Bé đã biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi.
- Bé biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa.
- Bé biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó.
- Lưỡi không còn có phản xạ tự động đẩy vật lạ (cho vật gì lạ vào mồm bé cũng đẩy ra, trừ với núm vú).
- Sau khi bú cạn “hai bình sữa”, bé vẫn còn khóc và đòi bú thêm.
- Bé có vẻ không muốn đợi đến lần bú kế tiếp và trở nên cáu kỉnh hoặc mút tay.
- Trước đây bé ngủ suốt đêm, bây giờ thì bé lại thức dậy đòi bú.
- Những giấc ngủ ban ngày cũng trở nên thất thường, ngủ không yên hoặc thức dậy sớm sau khi vừa chợp mắt.
- Bé trông rất hứng khởi khi thấy bạn ăn và đưa tay như muốn với lấy thức ăn mà bạn đang cầm.
Những điều cần biết khi cha mẹ cho bé ăn dặm lần đầu
- Không vội vàng, đừng học theo kinh nghiệm của người quen, có nghi ngờ thì nên dừng lại và chờ đợi.
- Đừng ham chạy theo số lượng.
- Không được ép bé ăn.
- Không cần sự đa dạng.
- Bạn có thể thay đổi loại thức ăn dặm hoặc chờ đợi thêm để bé quen với việc ăn dặm.
Cách tập cho bé ăn dặm
Bắt đầu tập ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi:
- Trước 4 tháng tuyệt đối không ăn dặm. Cũng có bác sĩ khuyến cáo bắt đầu cho ăn dặm khi 4-6 tháng tuổi nhưng cho bé ăn dặm tại thời điểm này là nhu cầu của cha mẹ, để được thấy bé giống người lớn, chứ không phải nhu cầu thực của bé.
Chỉ cho bé ăn thực phẩm mới khi cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh:
- Không thử nghiệm khi bé mọc răng, bị cảm, mệt. Cần bé khỏe và người mẹ cho con ăn dặm cũng phải thấy khỏe khoắn. Trường hợp sức khỏe bé không đảm bảo (sau tiêm chủng, người nhà hắt hơi sổ mũi, với nguy cơ ngày hôm sau bé cũng sẽ bị sổ mũi), gia đình có dự định cho những thay đổi sinh hoạt trong thời gian gần (đi du lịch, tổ chức tiệc đông người tại nhà…), tốt nhất là nên đợi thêm một tuần cho tới khi mọi sinh hoạt trở lại bình thường mới bắt đầu cho bé ăn dặm.
Cho bé dùng đồ ăn dặm trước khi dùng bữa chính (sữa mẹ hoặc sữa bình):
- Cho bé ăn cháo sữa ngũ cốc, sau đó mới cho bú mẹ hoặc bú bình.
Nếu bé từ chối món ăn dặm nào đó thì không nên cố ép:
Đôi khi để bé thích được mùi vị mới cha mẹ phải thử tới 10-15 lần. Ví dụ nếu bé có từ chối thịt hoặc rau thì cũng không có gì đáng sợ. Hãy thử lại sau 10-12 ngày và thử làm vài lần. Nhưng sau mỗi lần bé phun thức ăn dặm mới ra thì phải dừng trong 2 tuần.
Chỉ cho bé thử một loại thức ăn cho mỗi lần:
- Nếu định cho bé ăn hoa quả nghiền, không cần cho ngay cả táo, lê và mận. Chỉ được dùng một loại thực phẩm mới. Nếu nấu cháo sữa thì không nên dùng loại bột ngũ cốc 7 thành phần mà chỉ dùng loại một thành phần. Khi nào bé quen với hương vị đó hãy chuyển sang hương vị mới.
Chỉ bắt đầu cho bé ăn dặm 2 bữa khi đã thay thế hoàn toàn bữa thứ nhất:
- Sau khi đã chọn được một món, chẳng hạn nếu chọn cháo sữa ngũ cốc và quyết định thay thế bữa cuối ngày. Đây sẽ là lựa chọn tốt vì cháo làm bé no lâu và sau bữa cháo tối trẻ thường ngủ ngon hơn. Nếu như chưa thay thế hoàn toàn được bữa tối thì không thử nghiệm bữa sáng hay bữa trưa.
Khoảng cách giữa hai lần thử món ăn không dưới 5 ngày:
- Ví dụ ngày đầu bạn thay sữa mẹ bằng 20 g cháo sữa rồi cho bé bú thêm. Những ngày tiếp theo dùng 40, 60, 80, 100 g cháo, tăng dần trong vòng 5-7 ngày thì thay thế hoàn toàn bữa sữa mẹ.
Điều quan trọng là ăn dặm phải được thực hiện một cách tự nguyện, an toàn, khiến cả bé và cha mẹ hài lòng:
- Nếu bé chỉ thích sữa mẹ và từ chối tất cả những thứ khác, vấn đề “tôi thích món này, tôi không thích món kia” có thể được giải quyết rất dễ dàng trong vòng 6 giờ nhờ cảm giác đói. Nếu bạn không cho bé thứ này thì bé sẽ muốn thứ bạn yêu cầu bé ăn. Quan trọng là phải an toàn.
Giải đáp thắc mắc giúp mẹ chuẩn bị món ăn dặm cho con
Có cần thêm muối và đường vào đồ ăn của bé không?
- Hoàn toàn không cần thêm đường. Riêng về muối, mọi người hay nhầm rằng trẻ em tuyệt đối không được dùng muối. Trẻ em cũng cần muối, nhất là nếu trời nóng và bé ra mồ hôi. Nhưng nhu cầu muối của bé thấp hơn nhiều so với của người lớn. Như vậy có thể thêm muối vào thức ăn của trẻ nhưng với cha mẹ món này khi nếm phải cho cảm giác nhạt, chưa đủ độ mặn.
Nên bắt đầu cho bé ăn dặm bằng thức ăn gì?
- Không có quy tắc tuyệt đối. Các bác sĩ chưa thống nhất hoàn toàn về vấn đề này nhưng tất cả đều nhất trí là không nên bắt đầu bằng thịt. Phần lớn bác sĩ hiện nay cho rằng nên bắt đầu hoặc bằng các món rau hoặc bằng cháo sữa ngũ cốc. Có những người ủng hộ cách thứ ba là dùng pho mát làm từ sữa không béo.
Dùng đồ ăn sẵn trong chai tốt hơn hay đồ ăn tự nấu tốt hơn?
- Xã hội văn minh phấn đấu để người mẹ không phải bỏ hết thời gian chuẩn bị thức ăn, để người mẹ có thời gian chăm sóc bản thân và các thành viên khác của gia đình. Nếu xét về lợi ích cho cả gia đình thì bạn hoàn toàn có thể nuôi bé bằng thức ăn sẵn chất lượng cao, kết hợp với đồ ăn tự nấu. Cả hai phương án đều được. Nếu bố kiếm đủ tiền để mua đồ ăn sẵn thì mẹ sẽ dành thời gian nhiều hơn cho bố.
Lưu ý cha mẹ cần biết khi cho trẻ ăn dặm
- Tuân thủ nguyên tắc chế biến thức ăn từ lỏng đến đặc do từ lúc sinh đến khi bé ăn dặm, bé mới chỉ quen với thức ăn lỏng là sữa nên việc ăn bột rất lạ lẫm với bé. Lúc đầu pha bột thật lỏng, chỉ đặc hơn sữa 1 chút, khi bé quen thì tăng độ đặc lên dần.
- Thức ăn giai đoạn đầu tập ăn phải mịn, không gợn, tránh cho bé không bị hóc.
- Cho bé làm quen ngay với việc ăn bằng thìa, không nên cho vào bình để bé mút như uống sữa sẽ không khơi dậy được phản xạ nhai nuốt của bé.
- Cho bé ăn lượng ít để bé làm quen dần với thức ăn chứ không nên ép bé ăn nhiều ngay tức thì. Đồng thời cũng phải cho bé ăn đúng bữa, đúng thời gian quy định mỗi ngày.
- Khi việc tập ăn dặm của bé đã dần hoàn thiện, miệng và lưỡi đã có thể đẩy và nuốt thức ăn một cách dễ dàng, không gặp các vấn đề về tiêu hoá thì các mẹ nên cho bé làm quen dần với nhiều loại thực phẩm và thức ăn cũng phải đặc dần lên, lâu dần có thể chuyển từ bột sang cháo (khi bé được từ 8 đến 10 tháng) để đảm bảo chất dinh dưỡng cho sự phát triển của bé. Bởi lẽ, bé càng lớn thì sự tiêu hao năng lượng cho việc vận động của bé càng nhiều hơn, đồng thời lượng và chất lượng sữa mẹ cũng giảm dần không còn là nguồn dinh dưỡng chính hàng ngày của bé nữa.
- Trong trường hợp các mẹ còn lúng túng hoặc không có nhiều thời gian thì có thể tìm mua một số loại bột ăn dặm được chế biến sẵn của các hãng nổi tiếng như Bột gạo nhũ nhi dành cho trẻ bắt đầu ăn dặm, Bột ngũ cốc dinh dưỡng cháo kê, Bột dinh dưỡng ngũ cốc lúa mì, Bột kiều mạch dành cho trẻ…
Trên đây là toàn bộ những hướng dẫn cách cho trẻ ăn dặm tốt nhất khi 6 tháng tuổi. Các bậc cha mẹ nên chú ý tham khảo bài viết này để việc cho con yêu ăn dặm được dễ dàng, đúng lúc, đúng cách, đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. mecuteo.vn chúc các chị em nuôi con khỏe dạy con ngoan.