Những suy nghĩ sai lầm về giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh cha mẹ cần tránh | Mecuteo.vn

Giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh nên hay không nên là điều mà nhiều cha mẹ đang lo lắng. Bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn con mình được phát triển toàn diện, thông minh và xinh đẹp, chính vì vậy, việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ như thế nào luôn luôn được mọi người chú ý. Thế giới đã có những phương pháp giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh như phương pháp glenn doman hay phương pháp shichida,… Nhưng ở Việt Nam, những phương pháp trên đang còn hết sức mới mẻ và vì vậy sinh ra những suy nghĩ sai lầm về giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh cha mẹ cần tránh. Các bậc cha mẹ hãy cùng mecuteo.vn tìm hiểu về những suy nghĩ sai lầm đó và định hướng phát triển cho con mình nhé.

Suy nghĩ sai lầm 1: Học tập phải có hệ thống và trẻ phải tập trung nghe giảng

  • Quan niệm truyền thống của người Việt Nam ta thường cho rằng, học tập là rất căng thẳng, mệt mỏi, phải rất tập trung, phải ngồi trên lớp nghe giảng, dạy và học phải có hệ thống. Cho nên trước khi bước vào lớp một, cha mẹ chỉ cần cho trẻ ăn no, ngủ đủ, khỏe mạnh và được vui chơi.
  • Nhưng thực tế không phải như vậy, việc học tập của trẻ từ 0-6 tuổi chủ yếu được tiến hành thông qua tiếp xúc trực tiếp với môi trường và các trò chơi. Bản năng của trẻ là rất tò mò và ham tìm hiểu. Chỉ cần có cuộc sống phong phú, đa dạng là có thể tăng cường những điều mắt thấy tai nghe cho trẻ một cách hiệu quả, không nhất thiết phải dạy theo bài giảng một cách hệ thống.
  • Bạn hãy biết rằng người lớn chúng ta dạy trẻ có chủ đích nhưng trẻ học trong vô thức, chúng không hề biết rằng đó là học, do đó chúng ta không cần lý giải một cách sâu sắc, không cần cố làm cho trẻ hiểu và tuyệt đối không kiểm tra trẻ. Bạn hãy cứ “đàn gẩy tai trâu” bởi trẻ nhỏ như “vẹt con học nói”. Đó là phương pháp học tập mang tính thẩm thấu. Khi lần đầu tiên tiếp xúc với một vật, có thể bạn không hiểu nó rõ lắm, nhưng sau vài lần, vật ấy sẽ tự nhiên thấm vào óc bạn mà bạn không hề hay biết. Đây chính là phương pháp học tập của chương trình Giáo dục sớm dành cho trẻ từ 0-6 tuổi.

Suy nghĩ sai lầm 2: Thông minh là tố chất có sẵn, trẻ đã thông minh thì không dạy cũng vẫn thông minh

  • Có 2 quan điểm trái ngược nhau: trẻ thông minh là do tư chất, do gen di truyền của cha mẹ truyền lại, tóm lại là tài năng bẩm sinh và trẻ thông minh là do được dạy dỗ tốt. Có rất nhiều bằng chứng chứng minh cho từng luận điểm, xin chia sẻ lại với bạn quan điểm phù hợp hơn. Yếu tố bẩm sinh, di truyền là điều rất rõ ràng, những tố chất bẩm sinh này chỉ ở dạng tiềm ẩn, để khai thác được cần nhờ vào sự giáo dục và rèn luyện mới có thể phát huy tối đa được.
  • Chúng ta làm 1 ví dụ: có 2 trẻ, em A sinh ra đã mang sẵn tố chất 80 điểm, em B là 60 điểm. Nếu em A được giáo dục theo cách bình thường, phát huy được 20% tố chất thì sẽ chỉ là 16 điểm mà thôi, còn em B được giáo dục tốt, phát huy được 50% tố chất thì sẽ là 30 điểm. Vậy có phải em B đã thể hiện được khả năng vược trội so với em A?
  • Một ví dụ thực tế mà tôi có thể tự tin dẫn chứng ra, chúng ta biết đến cuốn sách thai giáo của Sisedike, trong đó có nêu, về lý thuyết di truyền, xác xuất để 1 gia đình có 4 người con đạt chỉ số IQ trên 150 như gia đình học là rất thấp, phải mô tả bằng “con số thiên văn”, bạn có thể hiểu là cực kỳ nhỏ, giống như 1 lúc nào đó tất cả khí trong 1 căn phòng rộng chỉ tập trung ở 1 góc phòng, xác xuất để điều này xảy ra là có, nhưng siêu nhỏ, và chúng ta hiểu là không thể. Thực tế là cả 4 người con của gia đình Sisedike đều được giáo dục bằng những phương pháp đặc biệt, và chúng ta có thể tin rằng, yếu tố giáo dục là yếu tố quyết định tài năng của trẻ.

nhung suy nghi sai lam ve giao duc som cho tre so sinh cha me can tranh 1

Suy nghĩ sai lầm 3: Trẻ thông minh sớm dễ bị tự kỷ do tự mãn, không tập trung học tập và bị bạn bè cô lập

Rất nhiều trường hợp đã rơi vào tình huống này.

Có 2 lý do cho việc này:

  1. Trẻ đã dành quá nhiều thời gian cho 1 đam mê nào đó và bỏ qua các hoạt động khác, dẫn đến việc bị lệch, thường là bỏ qua các tương tác xã hội, không chơi với người khác mà đóng mình 1 chỗ.
  2. Cha mẹ đã không dạy cho trẻ các nguyên tắc đạo đức, trong đó có việc khiêm tốn, ham học hỏi và giúp đỡ người khác và những người xung quanh lại quá tung hô khả năng vượt trội của trẻ.

Vì thế, nếu trẻ mắc phải vấn đề trên thì lỗi nằm ở cha mẹ và những người xung quanh chứ không phải ở giáo dục sớm. Trẻ được giáo dục sớm ở nhà dù đã biết rất nhiều, nhưng không thể biết hết được, đến lớp vẫn có nhiều điều phải học, với 1 thái độ cầu thị và luôn coi mọi người đều có gì đó cho mình học thì trẻ sẽ học rất nghiêm túc. Thay vì kiêu ngạo thì trẻ được giáo dục sớm có thể giúp các bạn mình học bài, hiểu bài, như vậy không có lý do gì trẻ bị cô lập cả.

Suy nghĩ sai lầm 4: Việc giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh là khó hoặc dễ

  • Trong suy nghĩ của trẻ không có sự phân biệt giữa khó và dễ. Chúng không hề biết khó hay dễ là cái gì, chúng sẽ tiếp nhận khi cảm thấy hiếu kỳ, ngược lại sẽ từ chối khi cảm thấy không thích. Chúng chưa bao giờ có cảm giác nghĩa vụ, cảm giác trách nhiệm hay cảm giác khó khăn.
  • Bạn luôn cho rằng học tiếng mẹ đẻ dễ, học ngoại ngữ khó. Nhưng trẻ lại không nghĩ thế. Từ khi trẻ được sinh ra, bất cứ ngôn ngữ nào trẻ được tiếp xúc sớm nhất cũng đều là ngoại ngữ đồng thời là tiếng mẹ đẻ. Giả sử một em bé có mẹ nói tiếng Việt, bố nói tiếng Anh, bà nội nói tiếng Pháp… thì lẽ tất nhiên bé sẽ nói tất cả những ngôn ngữ ấy mà không cần phân biệt đâu là dễ đâu là khó, đâu là ngoại ngữ, đâu là tiếng mẹ đẻ.

Suy nghĩ sai lầm 5: Giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh là giúp trẻ sướng hoặc khổ

  • Người lớn thường sợ trẻ con khổ sở khi phải học từ sớm. Có người còn tuyên bố rằng: Tôi không để con mình phải học, chỉ cần nó tự do tự tại vui chơi là được. Thế nhưng người đó đâu biết rằng giáo dục ngay từ đầu một cách khoa học chính là cuộc sống vui vẻ nhất của trẻ.
  • Trẻ là một đối tượng không sợ bất cứ một áp lực nào, không có một đứa trẻ bị bắt ép nào mà lại thông minh sớm cả. Bạn bắt ép trẻ học, trẻ sẽ phản kháng, bạn tiếp tục ép trẻ sẽ khóc, bạn vẫn còn muốn ép trẻ sẽ lăn ra ngủ. Nếu người lớn ép học sẽ chỉ khiến chúng nảy sinh cảm giác chán ghét học hành mà thôi.
  • Giáo dục sớm kết hợp hài hòa giữa học tập và vui chơi, “học mà chơi, chơi mà học”. Với tất cả những hoạt động chứa đầy sự thú vị và hấp dẫn, trẻ luôn vui vẻ động não, tập trung sự chú ý cũng như tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên, dù bạn không dạy chúng vẫn cứ học. Vì vậy giáo dục sớm phản đối việc “khổ học” đồng thời cũng phản đối trẻ vui chơi tự do vô bổ.

Suy nghĩ sai lầm 6: Giáo dục trẻ là phải nhồi nhét hoặc không nhồi nhét kiến thức cho trẻ

  • Phần lớn người lớn cho rằng trí não của trẻ còn quá non nớt, nếu chúng ta nhồi nhét kiến thức một cách thái quá sẽ khiến trẻ bị stress, mụ mẫm và không lớn được. Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Trong giai đoạn này, trẻ học bằng phương pháp chụp ảnh. Nghĩa là tất cả những gì trẻ nhìn thấy đều được đưa lên não bằng hình ảnh. Cái tivi thật được não bé nhận diện là tivi, còn chữ “tivi” cũng in vào não bé một cách tương tự chứ bé không cần phải phân tích đâu là phụ âm, đâu là nguyên âm, đâu là dấu, đâu là âm tiết… Điều đó quá phức tạp, não bé chỉ cần biết rằng chữ “tivi” tức là tivi, thế thôi. Hãy nhớ rằng em bé chính là cái “máy chụp ảnh”, cái “máy ghi âm” và “máy nghe trộm” tinh vi nhất. Vì thế những gì não bé được tiếp xúc sẽ hằn sâu trong tiềm thức, trở thành cái gốc, cái nền móng giúp bé học tập dễ dàng hơn khi trưởng thành.

Kết luận: Chỉ có một cuộc sống phong phú về thể lực và trí lực, đời sống tình cảm tốt và các hoạt động làm tang ý chí mới có thể đem lại cho trẻ những năm tháng ấu thơ tươi vui và hạnh phúc, mới để lại trong chúng những thời khắc vàng của tuổi thơ. Do đó, các bạn đừng bao giờ để con trẻ tự do vui chơi vô bổ trong những năm tháng đầu đời.

Giáo sư Phùng Đức Toàn, cha đẻ của Phương án 0 tuổi đã nói: “Bạn có thể có nhiều điều nuối tiếc trong tuổi thơ của mình, nhưng bạn không thể cho con mình một tuổi thơ đầy hối tiếc; bạn có thể không phải là thiên tài, nhưng bạn hoàn toàn có thể trở thành cha mẹ và thầy cô của những thiên tài”

Vai trò của gia đình tác động không nhỏ đến giáo dục sớm cho trẻ từ 0 – 6 tuổi

nhung suy nghi sai lam ve giao duc som cho tre so sinh cha me can tranh 2

  • Chuyên gia giáo dục sớm Glenn Doman đã từng nói: “Không có một ngôi trường nào tốt bằng gia đình và không có người thầy nào tốt như cha mẹ″. Tuy nhiên, vai trò giáo dục gia đình hiện nay, nhất là giáo dục sớm ngay từ khi đứa bé còn trong bào thai dường như vẫn chưa được xã hội nhìn nhận và phát huy một cách đúng đắn.
  • Giáo dục sớm được hiểu là một môn khoa học giáo dục mới phát triển, tác động, dẫn dắt, bồi dưỡng, phát triển tiềm năng thể lực và trí tuệ cho trẻ trong thời kỳ 0 tuổi (thai nhi) – 6 tuổi, giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất.
  • Giáo dục sớm ngày nay đã được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và trở thành một cuộc cách mạng trên thế giới – cách mạng giáo dục thời kỳ sớm bởi giáo dục sớm mang lại ý nghĩa đặc biệt và có tác dụng phi thường đối với sự trưởng thành của trẻ: thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện đại não của trẻ em từ 0-6 tuổi – là một giai đoạn giáo dục trong thời kỳ lý tưởng nhất để phát triển trí tuệ của con người, hình thành tính cách và phẩm chất tốt đẹp của con người. Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời của trẻ thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật.
  • Ðể làm được việc đó, vai trò của gia đình trong thực hiện giáo dục sớm cho trẻ từ 0-6 có ý nghĩa quyết định.
  • Một trong những nội dung đầu tiên của giáo dục sớm là phải tiến hành thai giáo, làm cơ sở để khai mở và tạo tiền đề cho giáo dục trẻ sơ sinh. Công việc thai giáo không ai có thể thay thế được vai trò của các bà mẹ với sự hỗ trợ của các ông bố tương lai và các thành viên trong gia đình. Tổng hợp kinh nghiệm thai giáo trên thế giới cho thấy thai giáo là ngành khoa học bao gồm ba phương diện: thụ thai khi cơ thể trong trạng thái tốt nhất, dưỡng thai trong môi trường tốt nhất và giáo dục thai nhi. Sự phát triển của khoa học hiện đại chứng minh rằng, trong thời gian mang thai nếu lặp đi lặp lại nhiều lần những kích thích tốt đối với thai nhi, có thể thúc đẩy não bộ của thai nhi phát triển. Hiện nay, giáo dục trong thời kỳ bào thai không còn mới mẻ trong cộng đồng cha mẹ Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi thai giáo vẫn còn rơi vào tình trạng bắt chước máy móc, chưa được tổ chức và tư vấn một cách có khoa học.
  • Hiện nay, trên thế giới, nhiều quốc gia đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của giáo dục sớm như là nền tảng vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo trong cuộc đời của mỗi con người. Họ đã có những chiến lược cải tổ nền giáo dục của đất nước bắt đầu từ việc “xây móng” – phát triển giáo dục thời kỳ sớm. Với mong muốn “biến gánh nặng dân số thành nguồn tài nguyên trí tuệ vô hạn”, công trình “Phương án không tuổi” của giáo sư người Trung Quốc – Phùng Ðức Toàn đã tạo nên hàng loạt thanh thiếu nhi kiệt xuất trên mọi lĩnh vực. Tại Mỹ, năm 1979, chuyên gia sản phụ khoa Fandeka đã sáng lập nên “Trường đại học thai nhi” nhằm giúp hỗ trợ thai nhi phát triển trí tuệ, sau khi ra đời có thể học tập dễ dàng hơn, phát triển tinh thần thuận lợi hơn. Trong đề án cải cách giáo dục của Xin-ga-po hiện nay coi giáo dục gia đình là một bộ phận của giáo dục quốc dân, giáo dục sớm tại gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Dịch vụ giáo dục cho trẻ mầm non tại Hàn Quốc ở gia đình đang được các bậc cha mẹ đầu tư mạnh mẽ và hiện nay đang xuất hiện các “mô-đun” đi sâu vào từng lĩnh vực giáo dục sớm như toán, ngôn ngữ, hội họa, âm nhạc… và cho ra hàng loạt các sản phẩm thành công nghệ giáo dục có bản quyền và đã gia nhập vào thị trường giáo dục ở Việt Nam.
  • Như vậy, có thể nhận thấy giáo dục sớm tại gia đình đang thật sự là nhu cầu của các bậc cha mẹ sau khi họ đã nhận thức được tầm quan trọng của nó. Bên cạnh những bậc cha mẹ vẫn giữ những quan niệm lạc hậu về giáo dục trẻ trong thời kỳ sơ sinh, ngày càng nhiều các bậc cha mẹ tiến bộ ở Việt Nam đã tìm hiểu và áp dụng giáo dục sớm cho con cái họ. Song, giáo dục sớm mới chỉ được áp dụng chủ yếu tại các thành phố lớn, nơi mà cơ hội tiếp cận thông tin tiên tiến trên thế giới dễ dàng hơn. Trong khi đó, những cha mẹ ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hầu như không có thông tin và không có điều kiện để tham gia vào các cộng đồng cha mẹ thực hiện giáo dục sớm. Như vậy, giáo dục sớm tại gia đình hiện nay đang được nhen nhóm lên một cách tự phát, theo kinh nghiệm và chưa được tổ chức đồng bộ, khoa học trong cộng đồng cha mẹ Việt Nam.
  • Có thể nói rằng, giáo dục sớm tại gia đình góp phần đáng kể vào sự nghiệp giáo dục sớm của toàn xã hội do giai đoạn từ không đến sáu tuổi là thời kỳ vàng để phát triển tiềm năng não bộ của trẻ. Do đó, Nhà nước cần khẳng định lại vị trí của giáo dục sớm tại gia đình, coi đó là nền tảng, còn giáo dục nhà trường là sự nối dài của giáo dục sớm tại gia đình. Giáo dục sớm tại gia đình không chỉ là sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, mà ở đây cần có sự nối liền chặt chẽ bằng chính sách và tài chính của Nhà nước. Ðó là, coi giáo dục gia đình là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm trả lại cho các bậc cha mẹ vai trò đúng nghĩa – những người thầy, người cô đầu tiên và có ảnh hưởng sâu sắc đến những đứa trẻ.

Những suy nghĩ sai lầm về giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh cha mẹ cần tránh trên đây của mecuteo.vn sẽ đem đến cho các bậc cha mẹ những hiểu biết thêm về vấn đề giáo dục sớm cho trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển hợp lý về thể chất và trí não. Các bạn hãy đọc và trở thành những cha mẹ thông thái nhé.

Tags: , , , ,
Scroll to Top