Đau bụng chuyển dạ và đau chuyển dạ giả khác nhau thế nào là những thông tin được cung cấp trong bài viết kì này nhằm giúp các mẹ biết được những triệu chứng cũng như những biểu hiện khác nhau của hiện tượng chuyển dạ thường và chuyển dạ giả để sớm biết được khi nào mình chuẩn bị vượt cạn mà sẵn sàng tâm lý cho mọi thứ tới phút cuối khi bé yêu chào đời. Thông thường vào những tháng cuối của thai kì, tử cung của người mẹ sẽ có những cơn co thắt nhẹ diễn tiến theo từng đợt nên có thể không biết chính xác đâu mới là cơn chuyển dạ thật sự và để giảm bớt tình trạng này người mẹ cần áp dụng những động tác hay tư thế hoạt động hằng ngày ra sao?
Hãy cùng Mecuteo.vn tham khảo những kiến thức bên dưới đây để có thể phân biệt được cơn đau chuyển dạ với cơn đau chuyển dạ giả một cách chính xác nhất nhé!
Đau chuyển dạ giả là gì?
Một số chuyên gia cho biết các cơn gò sinh lý là một tín hiệu cho thấy tử cung đã sẵn sàng cho cuộc chuyển dạ thực sự. Với nhiều mẹ, những cơn gò sinh lý có thể rất đáng sợ, đặc biệt là cường độ của chúng sẽ tăng dần gần cuối thai kỳ. Vì vậy, mẹ cần thật bình tĩnh để có thể xác định sự khác biệt giữa cơn gò sinh lý và các cơn gò chuyển dạ.
Một số thông tin dưới đây sẽ giúp chị em nhận biết rõ ràng cơn gò Braxton-Hicks và cách giảm bớt khó chịu do cơn chuyển dạ giả gây ra.
- Những cơn gò Braxton-Hicks thường gây khó chịu nhưng không đau đớn. Nó có thể xảy ra khi thai nhi chuyển động hoặc một người nào đó chạm vào bụng của mẹ. Nó cũng có thể được “kích hoạt” khi bàng quang đầy, sau khi mẹ bầu quan hệ tình dục hoặc bị mất nước.
- Mặc dù mọi người có xu hướng gọi Braxton-Hicks là cơn gò chuyển dạ giả, tuy nhiên chúng không làm giãn cổ tử cung như những cơn gò chuyển dạ. Hầu hết các bác sĩ tin rằng cơn gò Braxton-Hicks giúp làm săn chắc cơ tử cung và thúc đẩy lưu lượng máu đến nhau thai.
- Hầu hết các bác sĩ cho biết mặc dù nhiều mẹ miêu tả cơn gò Braxton-Hicks khiến họ rất đau đớn, nhưng đa phần họ đều mang thau lần đầu, chưa biết “đau như đau đẻ” là như thế nào vì vậy nhận xét đó còn rất chủ quan. Lo âu là một trong các nhân tố đóng góp vào cường độ cơn đau mà mẹ có thể cảm thấy. Hãy chắc chắn mẹ nghỉ ngơi đầy đủ trong suốt thai kỳ và giảm thiểu căng thẳng trong cuộc sống vì lợi ích của cả mẹ và bé.
Phân biệt cơn đau chuyển dạ và cơn đau chuyển dạ giả
Dấu hiệu của cơn gò sinh lý Braxton-Hicks: Những cơn gò này thường không gây đau đớn và không xảy ra đều đặn. Không giống các cơn gò chuyển dạ diễn ra nhịp dàng, đều đặn, cơn gò sinh lý không thể dự đoán trước và không có “nhịp điệu”. Mặt khác, khi mẹ bầu chuyển dạ thật sự, các cơn gò sẽ tăng dần lên, kéo dài hơn và tần suất cũng dồn dập hơn còn cơn gò Braxton-hicks lại có xu hướng biến mất khi bạn đi bộ, nằm xuống hoặc thay đổi vị trí.
Đối với các cơn đau chuyển dạ, mỗi mẹ lại có cảm nhận khác nhau. Dưới đây là một số nhận xét chung được rút ra từ kinh nghiệm của các mẹ đã sinh nở, tuy nhiên không phải mẹ nào cũng có tất cả những dấu hiệu, phản ứng này nhé!
- Cơn đau chuyển dạ thường gây khó chịu hoặc đau âm ỉ ở bụng dưới hoặc lưng.
- Đau bụng chuyển dạ gây căng cơ ở vùng xương chậu.
- Cơn đau chuyển dạ khiến một số mẹ bị đau lườn hoặc đau đùi.
- Một số mẹ miêu tả các cơn co thắt chuyển dạ thực sự tương tự như cơn đau bụng kinh nguyệt nghiêm trọng hoặc đau bụng tiêu chảy.
Cơn đau chuyển dạ xảy ra đều đặn và có thể kéo dài 30 đến 70 giây (trung bình khoảng một phút). Một số dấu hiệu cho thấy mẹ đang gặp đau bụng chuyển dạ chứ không phải cơn gò sinh lý là đợt co thắt cách nhau 5 đến 10 phút hoặt ít hơn, có nhiều hơn 5 cơn gò trong một giờ; đau liên tục, thường xuyên ở lưng hoặc bụng dưới; căng cơ ở xương chậu hoặc âm đạo, cảm giác như đau bụng kinh hoặc đau bụng tiêu chảy, chảy máu, chảy dịch lỏng, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Không phân biệt được cơn đau chuyển dạ nên làm gì?
- Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu mẹ thấy mình có dấu hiệu chuyển dạ thực sự. Cho dù mẹ không chắc chắn cũng hãy nghĩ tới tình huống xấu nhất và nhấc điện thoại lên. Chỉ bằng cách nói chuyện qua điện thoại, bác sĩ cũng có thể phân tích giọng nói của mẹ để biết mẹ chuyển dạ thật sự hay chỉ là cơn gò sinh lý Braxton-Hicks bởi trong cơn chuyển dạ thật sự, mẹ khó có thể nói chuyện bình tĩnh được.
- Đừng ngại làm phiền bác sĩ quá nhiều, dù là nửa đêm. Các bác sĩ luôn sẵn sàng mọi lúc và có sẵn câu trả lời cho các câu hỏi của mẹ, giúp mẹ giảm bớt lo lắng. Mẹ đừng ngại khi hỏi quá nhiều, an toàn của mẹ và bé luôn luôn cần được đặt lên hàng đầu.
Cần phải làm gì để giảm bớt khó chịu
Mẹ có thể áp dụng một vài biện pháp sau:
- Đi bộ hoặc thay đổi vị trí. Đây là một phương pháp giúp mẹ nhận biết cơn gò chuyển dạ và cơn gò sinh lý, nếu mẹ thay đổi vị trí và thấy đỡ hoặc hết đau, đó chỉ là cơn gò Braxton-Hicks.
- Cố gắng ngủ một vài giấc ngủ ngắn trong ngày, nghỉ ngơi, ăn uống chút gì đó hoặc massage thư giãn.
- Các chuyên gia cũng cho biết tắm nước ấm giúp cơ thể thư giãn cũng như làm dịu tử cung. Mẹ nhớ chỉ tắm nước hơi ấm chứ đừng dùng nước quá nóng vì lợi ích của bé.
- Chị em cũng nên lưu ý bất kỳ cơn đau ở một bên bụng cũng chưa chắc là cơn gò chuyển dạ. Những cơn đau này được gọi là đau dây chằng tròn và nó sẽ lan xuống vùng háng. Để giảm bớt những cơn đau, mẹ hãy thử thay đổi vị trí hoặc mức độ hoạt động.
- Uống nhiều nước mỗi ngày và chắc chắn rằng mẹ đang nghỉ ngơi đầy đủ. Điều này thực sự quan trọng quyết định mẹ có hay không gặp khó chịu với cơn gò sinh lý trong khi mang thai.
- Giữ bình tĩnh: Chú ý cảm giác ở bụng của mẹ khi cơn gò Braxton Hicks đầu tiên xuất hiện. Một số mẹ nhận ra đó là những cơn co thắt sinh lý và hiểu điều gì đang xảy ra ngay sau khi cảm nhận thấy chúng. Với những mẹ mang thai lần đầu, có thể sẽ không biết mình nên chú ý điều gì, nhận biết cơn gò sinh lý như thế nào. Một gợi ý cho mẹ là hãy đặt nhẹ tay lên bụng khi một trong những cơn co thắt diễn ra. Khi mẹ chạm vào bụng sẽ có cảm giác như chạm vào mặt trống căng và nó sẽ qua trong vòng vài giây. Cố gắng kiểm soát hơi thở và thay đổi vị trí hoặc uống một chút nước cho đến khi cơn gò sinh lý kết thúc.
Với những kiến thức hữu ích trên đây, mong rằng sẽ giúp các mẹ biết cách phân biệt giữa cơn đau chuyển dạ với cơn đau chuyển dạ giả để có cách nhận biết tốt nhất mà chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho mình trước khi chào đón bé yêu ra đời. Trong những tháng cuối cùng của thai kỳ, chắc chắn những cơn co thắt sẽ tăng dần theo từng đợt bởi tử cung người mẹ lúc này sẽ thay đổi rất nhiều nên cần có sự theo dõi trực tiếp và thường xuyên hơn từ bác sỹ. Sự phân biệt giữa hai hiện tượng với những dấu hiệu khác nhau này sẽ giúp ích rất nhiều cho mẹ trước khi bắt đầu cuộc vượt cạn chính thức đấy. Chúc các thai phụ mẹ tròn con vuông. Đừng quên đồng hành và ủng hộ Mecuteo nhé!