Những điều cần biết về bướu máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bướu máu hay còn gọi là u máu là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh tương đối không gây nguy hiểm cho trẻ. Cách điều trị bướu máu đơn giản không tốn nhiều công sức cũng như chi phí tuy nhiên khi phát hiện phải có cách điều trị kịp thời thích hợp nhất. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này hãy cùng mecuteo.vn tham khảo những điều cần biết về bướu máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới đây giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức chăm sóc con cái tốt hơn.

1. Mức độ nguy hiểm của bệnh bướu máu

Bướu máu là một bệnh lý bẩm sinh về mạch máu. Nói chung đây là một loại bướu lành tính, có nghĩa là không di căn, không tái phát (nếu điều trị đúng) và nhất là không nguy hiểm chết người.

Nguyên nhân gây ra bướu máu hiện nay người ta chưa biết rõ. Chỉ biết rằng hiện nay người ta chia ra làm 2 loại bướu máu:

+ Bướu máu trẻ nhỏ (Infantile hemangioma): thường xuất hiện khi bé được vài tuần tuổi đến vài tháng tuổi, dưới dạng một vết đỏ như mụn ruồi son, phát triển lớn dần đến khoảng được 6 tháng tuổi thì dừng lại, duy trì như vậy từ 6 tháng đến 2 tuổi, sau đó thoái hoá dần đến 6 tuổi thì hoàn toàn biến mất.

+ Bướu máu bẩm sinh (congenital hemangioma): Loại này xuất hiện từ trong bào thai, do đó khi sinh ra là đã thấy có, trong loại này người ta lại chia ra làm 2 dạng:

  • Dạng thoái triển (Rapid Involuting Congenital Hemangioma) gọi tắt là RICH: một khối màu đỏ tía lớn nhỏ tuỳ trường hợp, và tiến triển cũng giống như loại bướu máu trẻ nhỏ.
  • Dạng không thoái triển (Non Involuting Congenital Hemangioma) gọi tắt là NICH: thật là không may cho bé nào bị loại dạng này, bướu phát triển lớn dần, những cũng ở mức độ nào đó thì ngưng phát triển, và sẽ tồn tại mãi không thoái hoá.

nhung dieu can biet ve buou mau o tre so sinh va tre nho 1

2. Cách điều trị bướu máu ở trẻ em

Chẩn đoán bướu máu rất dễ, chỉ cần nhìn là biết ngay, nhưng chẩn đoán loại bướu máu nào thì trên thực tế rất khó biết, phải biết chính xác bướu lúc nào xuất hiện, cần phải kết hợp với siêu âm, và kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ chuyên khoa.

Vấn đề điều trị rất tế nhị vì lẽ không biết rõ loại bướu máu nào, và dựa vào 3 yếu tố sau để có thể đưa ra hướng xử trí đúng đắn: (1) vị trí của bướu máu, (2) mức độ phát triển của bướu máu nhanh hay chậm, (3) tuổi của bé.

Cụ thể là nếu bướu máu ở những vị trí “nóng” như gần khoé mắt, cánh mũi, khóe miệng hay môi… và phát triển có vẻ nhanh, thì ta nên can thiệp sớm càng tốt, vì nếu chẳng may bướu này thuộc loại cứng đầu hoặc phát triển lan đến mắt môi mũi làm tổn thương đến những cơ quan này trước khi nó thoái hóa, hoặc nếu để bướu quá lớn thì là một thử thách cho phẫu thuật viên, đôi khi không phẫu thuật được.

Trái lại nếu bướu nằm ở những vị trí như ngực, lưng, bụng, hoặc tứ chi… thì có thể chờ theo dõi, nếu quá 6 tuổi mà nó vẫn còn thì dù lớn cỡ nào cũng có thể phẫu thuật được (vì có đủ da để kéo lại sau khi cắt bướu). Có nhiều phương pháp để can thiệp như xạ trị, chạy tia, đốt laser, corticoid… nhưng nói chung trên thế giới hiện nay phẫu thuật là phương pháp chọn hàng đầu, nếu không phẫu thuật được thì mới chọn những phương pháp khác. Hiện tại các bệnh viện tuyến chuyên khoa lớn có khoa ngoại nhi cũng đã gặp nhiều trường hợp bướu máu, thường thì chỉ theo dõi rất sát định kỳ hàng tháng để xác định sự phát triển của bướu và không cần phải can thiệp gì cả, nhưng một số trường hợp cần thiết đã được giải quyết tốt bằng phẫu thuật.

3. Giải đáp thắc mắc về bệnh bướu máu

Hỏi: Con tôi bị u máu (vết nhỏ bằng đồng xu) trên cánh tay. Xin hỏi bác sĩ bệnh có nguy hiểm?

Trả lời của bác sỹ chuyên khoa da liễu trẻ em: U máu – dị dạng mạch máu bẩm sinh là bệnh hay gặp ở trẻ em. Bệnh gặp ngay sau sinh hoặc sau vài tháng. Đa phần bệnh sẽ tự hết hoặc phát triển chậm lại. Tuy nhiên cũng có nhiều biến chứng do u máu như lác mắt, sụp mí (nếu u máu ở mắt), chảy máu niêm mạc, các bệnh về răng (nếu u máu ở hàm trên, hàm dưới)… U máu được chia làm 3 loại là u máu mao mạch, máu dạng hang, u hỗn hợp. Sau khi xuất hiện, u máu có thể lớn dần lên, từ một vết nhỏ như nốt ruồi son, nó trở thành một mảng hồng đậm màu, thậm chí có thể gồ lên thành mảng. U thường lớn dần, phát triển nhanh hay chậm tùy theo từng vị trí. Điều trị bệnh u máu cần phải thận trọng cho dù can thiệp bằng phẫu thuật hay chạy tia vì nguy có tái phát, chảy nhiều máu, để lại tật, sẹo. Vì vậy nếu thấy trẻ có những dấu hiệu trên, bạn hãy đưa trẻ tới bác sĩ nhi khoa khám và điều trị.

Những điều cần biết về bướu máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên đây đã phần nào giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về hiện tượng bướu máu ở trẻ này. Nếu không may bé nhà bạn mắc phải bệnh bướu máu thì hãy bình tĩnh tham khảo ý kiến của bác sĩ để có cách điều trị thích hợp nhất. Chúc gia đình bạn luôn hạnh phúc và đừng quên đồng hành cùng mecuteo.vn để biết thêm nhiều thông tin hữu ích cho sức khỏe.

Bạn xem chưa?

Có thể bạn quan tâm!

Tags: , , , , , ,
Scroll to Top