Bệnh tay chân miệng đang là một trong những bệnh khiến nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng dù đây không phải là bệnh khá nguy hiểm nhưng trẻ rất dễ bị bệnh. Với dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng cùng biện pháp chăm sóc hợp lý tại nhà cho bé của mecuteo.vn, các cha mẹ hãy yên tâm bảo vệ con yêu của mình phát triển khỏe mạnh nhé.
Dấu hiệu cho biết trẻ đã bị bệnh tay chân miệng
Dấu hiệu cấp độ 1:
Miệng sẽ xuất hiện vết loét, khác với nhiệt miệng là có vết loét nhỏ, đơn lẻ thì trong trường hợp này, bệnh sẽ tạo thành những vết loét rộng, nhiều và loang lỗ do từ các vết ban có bọng nước bị vỡ ra tạo thành.
Dấu hiệu cấp độ 2:
Nốt phát ban ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, và vết phát ban có bọng nước. Da bé có thể gồ lên theo từng vết ban.
Những dấu hiệu khác
Ngoài ra, còn những biểu hiện như trẻ bị sốt nhẹ, cảm thấy mỏi mệt, đau họng…..
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà
Khi đã phát hiện những biểu hiện mắc bệnh của con thì việc đầu tiên mẹ nên làm là hãy đưa con đến bệnh viện gặp bác sỹ để xin sự tư vấn mẹ nhé. Nếu bé được chẩn đoán là mắc bệnh tay chân miệng ở cấp độ 1 thì mẹ có thể yên tâm chăm sóc và theo dõi con ở nhà.
Cũng như cách phòng tránh bệnh mà trước đây mẹ đã biết, việc vệ sinh cho bé là một trong những điều không thể thiếu. Mẹ có thể tập cho con cách rửa tay như thế nào là sạch, dùng xà phòng như thế nào là đúng để bệnh không còn cơ hội có thể lây lan thêm.
Tạm cho con nghỉ học một khoảng thời gian (có thể là dăm bảy ngày gì đó để bệnh không có khả năng lây sang các bạn cùng lớp). Nếu ở nhà bé có chơi với các bé hàng xóm thì cũng nên hạn chế cho con tiếp xúc nhé. Chắc là con sẽ buồn vì không được chơi nhiều với các bạn thì mẹ và người thân hãy luôn bên cạnh con, chơi với con để con bớt cảm giác “không được chơi” mẹ nha. Đó cũng là cách giúp con phấn khỏi, vui tươi và mau thoát khỏi bệnh.
Tuy nhiên, mẹ cũng không nên ủ ấp con quá kĩ bằng cách không cho con tắm, không cho con tiếp xúc với gió, cho con mặc đồ quá kín,… Những hành động này sẽ khiến bệnh bị ủ lâu hơn và bé sẽ lâu hết bệnh. Ngoài ra, mẹ cũng cần phải nhớ rằng tuyệt đối không nặn hay châm chích cho các vết mụn mau vỡ ra nhé, vì sẽ khiến bệnh lan rộng ra và có thể gây biến chứng cho bé đấy
Mẹ và người nhà sau khi chơi với con hoặc chăm sóc bé thì nhớ rửa tay của mình bằng xà phòng sạch nhé, để nhằm loại trừ các vi trùng bám lại trên tay và lại tạo môi trường lây bệnh mới. Mẹ nhớ là quan sát các hoạt động hằng ngày của con thật chặt chẽ và như vậy quần áo, các vật dụng như bình sữa, ly uống nước, chén ăn, muỗng ăn phải được dùng riêng biệt và thường xuyên được luộc sôi.
Mẹ cũng đừng quên đồ chơi của bé phải được tẩy trùng sạch sẽ bằng dung dịch Cloramin B 2% hay xà phòng xá khuẩn để chắc chắn rằng môi trường xung quanh của con luôn an toán.
Dinh dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng
Ngoài việc phòng tránh, người lớn cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh.
Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi.
Trẻ bị tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau đớn. Hơn nữa, cơ thể sốt, đau họng… khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu và thường xuyên quấy khóc nên dễ sụt cân. Do vậy, chuyện ăn uống của trẻ mắc bệnh cần chú ý một số điểm sau:
- Cho trẻ ăn những món ăn mà trẻ thích.
- Do đau trong miệng (miệng loét) nên trẻ thường khảnh ăn. Vì thế, để trẻ dễ ăn hơn, cần nấu thức ăn thật nhuyễn, mềm, đủ chất. Cho ăn thức ăn như bình thường nhưng làm lỏng, mềm như cháo bột (kể cả trẻ lớn) vì thức ăn cứng làm trẻ đau rát miệng.
- Không nên cho trẻ ăn thức ăn còn nóng. Có thể làm mát đồ ăn nhằm tạo cảm giác dễ chịu, kích thích trẻ ăn uống ngon miệng hơn.
- Nên chia nhỏ các bữa ăn. Không cố gắng ép trẻ ăn (vì trẻ đau miệng, ăn nhiều một lúc sẽ gây cảm giác khó chịu).
- Cần chú ý: Tránh chọn những loại muỗng, thìa có cạnh sắc để đút cho trẻ. Không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm trẻ đau dẫn đến sợ hãi, không ăn.
- Trẻ có thể ăn sữa chua, sữa bột, hoặc bột dinh dưỡng, cháo nấu thật nhuyễn, súp hầm kỹ, nước hoa quả tươi mát. Có thể thay một bữa ăn bằng một hũ yaourt, một ly sữa mát.
- Nên lưu ý: Với trẻ còn bú mẹ cần cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì trẻ mỗi lần bú không được nhiều như lúc khỏe mạnh. Khi trẻ hồi phục và hết các vết loét gây đau trong miệng, cần động viên trẻ ăn uống bình thường trở lại.
- Sau khi ăn cần súc miệng sạch sẽ và để trẻ nghỉ ngơi ( nhịn hoàn toàn) trong 3- 4 giờ sau đó mới cho ăn bữa khác.
- Khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) cho bé quay ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp với lứa tuổi, không kiêng khem
Giải đáp thắc mắc về chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
Đến nay, đã lên đến hơn 15.000 ca, trong đó gần 50 ca tử vong. Bệnh đã bắt đầu chuyển sang người lớn. Sau đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan đến biểu hiện, phòng bệnh và cách xử lý…
1. Ở độ tuổi nào thì có nguy cơ bị bệnh tay chân miệng nhất? Cách phòng tránh hữu hiệu và nhận biết bệnh qua các triệu chứng bệnh như thế nào?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Đa số là dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi; trẻ lớn và người lớn thì rất hiếm gặp.
Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là vệ sinh ăn uống bảo đảm bàn tay mẹ và bàn tay bé không bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, đồ chơi và sàn nhà cũng phải sạch vì nơi này vi rút gây bệnh có thể bám vào.
Nhận biết bệnh chủ yếu là triệu chứng bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối không ngứa không đau đôi khi có kèm theo lở miệng do bóng nước mọc trong miệng vỡ ra.
2. Xin cho biết nguyên nhân nào gây ra bệnh tay chân miệng? Và cách phòng ngừa?
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM: Bệnh tay-chân-miệng do một số loài virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, chủ yếu là các loại Coxsackie. Ngoài ra, còn có loài Enterovirus 71 gây bệnh nặng thường có biến chứng.
Bệnh không có thuốc điều trị đặc trị cũng như vắc-xin phòng bệnh vì vậy việc phòng bệnh chủ yếu dựa vào các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh – khử khuẩn môi trường (sàn nhà, đồ đạc, vật dụng thường có tiếp xúc với bàn tay). Đây là những biện pháp không đặc hiệu nhưng cũng đảm bảo có hiệu quả nếu được làm đều đặn, thường xuyên và đúng cách.
3. Bệnh tay chân miệng có biểu hiện như thế nào, chữa trị ra sao?
BS Khanh: Bệnh thường diễn biến khoảng 7-10 ngày sẽ tự khỏi. Việc điều trị chủ yếu là giảm đau, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế vận động, vệ sinh răng miệng. Quan trọng nhất là làm sao phát hiện triệu chứng của biến chứng để đi bệnh viện. Nếu thấy bé giật mình chới với, sốt cao liên tục đi đứng lảo đảo, ngồi không vững, run tay khi cầm vật dụng, yếu tay chân nên mang trẻ đến bệnh viện ngay.
4. Con cháu 21 tháng, xin cho cháu biết cách phòng và chống bệnh tay chân miệng khi bé thường hay bú tay?
BS Khanh: Bé hay bú tay là phản xạ bình thường, cách phòng đối với bé này cũng như các bé khác. Cần giữ bàn tay sạch và nơi nào bàn tay bé có thể chạm tới như: đồ chơi, bình sữa, sàn nhà,… thì phải vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần.
5. Mùa hè tôi định cho con đi học bơi. Nhưng tôi nghe nói có dịch tay chân miệng bùng phát. Chắc phải dời ý định sang năm sau. Xin hỏi sự lo lắng của tôi có chính đáng không?
BS Thọ: Lo lắng của bạn về đi bơi ở hồ bơi trong mùa dịch bệnh chân-tay-miệng là hoàn toàn chính đáng. Bệnh chân-tay-miệng có nhiều thể, trong đó có những thể rất nhẹ không cần có chăm sóc của y tế người bệnh vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường.
Nguồn nước trong hồ bơi có thể bị nhiễm nếu người bệnh như trên đi tắm tại đó. Để có thể ngừa lây bệnh khi đi tắm ở hồ bơi, điều kiện cần thiết là:
Các hồ bơi, phải thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh khử trùng nguồn nước.
Người đi bơi cần tuân thủ các quy định của hồ bơi. VD: người có bệnh thì không nên đi bơi, không ăn uống dưới hồ bơi…
Đảm bảo 2 điều kiện trên thì việc tắm ở hồ bơi mới được an toàn.
6. Con tôi 5 tuổi, cháu đang học mẫu giáo làm cách nào để phòng ngừa tay chân miệng nếu chẳng may trong lớp có bé bị bệnh? Tôi có nên mua vitamin uống bổ sung để tăng sức đề kháng không, nếu có thì uống loại nào? Cám ơn bác sĩ.
BS Khanh: Tại các trường mẫu giáo trong thành phố đã thực hiện đúng dịch phòng ngừa tay chân miệng nên khả năng mắc tại trường thì rất thấp. Nhưng trẻ có thể mắc bệnh từ hàng xóm hoặc từ người lớn trong nhà do đó việc vệ sinh phòng bệnh phải thực hiện tại nhà.
Việc uống viatamin tăng sức đề kháng không quan trọng bằng vệ sinh khử khuẩn để diệt vi rút gây bệnh trong môi trường ăn uống và sinh hoạt của trẻ.
7. Cách phát hiện sớm nhất có phải là sốt?
BS Khanh: Không phải tất cả các bé bệnh tay chân miệng đều có sốt. Những bé sốt thì thường có biến chứng hơn, đặc biệt là có sốt cao liên tục hay sốt liên tiếp hơn 2 ngày. Cách phát hiện sớm là khi trẻ quấy khóc than đau miệng bỏ ăn thì phải tìm hiểu ngay bé có lở miệng không, tìm xem ở lòng bàn tay, bàn chân mông gối có lở bóng nước không.
8. Tình hình dịch bệnh như hiện nay, tôi có nên cho con mình đi học hè tại trường mầm non hay không (con tôi được 3 tuổi rưỡi rồi)? Xin bác sĩ hãy nói cụ thể hơn về khả năng lây bệnh.
BS Khanh: Theo thống kê của bệnh viện thì số trẻ mắc bệnh chỉ có 20% là đi nhà trẻ, còn các bé còn lại do mắc bệnh từ tại nhà, do đó đi học hay không đi học vẫn phải áp dụng biện pháp vệ sinh phòng ngừa.
Khả năng lây bệnh là do vi-rút có trong nước miếng, dịch mũi họng, phân, nước tiểu, dịch bóng nước của trẻ bệnh phát tán ra môi trường xung quanh, vi-rút này tồn tại trong đồ ăn thức uống, sàn nhà đồ chơi, vật dụng sinh hoạt hằng ngày, bàn tay của người chăm sóc trẻ và sẽ tấn công vào cơ thể trẻ qua đường miệng.
9. Vì sao bệnh tay chân miệng ngày càng tăng lên một cách kỷ lục? Bệnh này đã nghiên cứu được loại vacxin nào chưa? Vì sao lúc trước nói bệnh này chỉ tập trung chủ yếu ở trẻ em độ tuổi 1-3, vậy mà vừa rồi em đọc bài báo có nói một bé tử vong do tay chân miệng 13 tuổi là sao, thưa bác sĩ?
BS Thọ: Bệnh chân-tay-miệng xuất hiện từ năm 2003 và xuất hiện hàng năm cho đến nay. Mùa dịch 2011 xảy ra với số ca mắc bệnh tăng kỷ lục so với 2 mùa dịch lớn trước (vào năm 2003, 2007).
Chẩn đoán virus xác định đó là EV 71 chủng C4 là chủng lần đầu có tại VN, chủng này đã gây dịch lớn tại Trung Quốc năm 2008.
Điều này giải thích mùa dịch năm nay đặc biệt số trẻ lứa tuổi 1-3 tuổi mắc bệnh nhiều hơn so với những năm trước.
Bệnh chân-tay-miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ nhưng không phải người lớn không mắc bệnh. Người lớn ít khi mắc bệnh là do đã có miễn dịch từ nhỏ.
Điều này lý giải tại sao có trẻ 13 tuổi tử vong do chân-tay-miệng nhưng những trường hợp như vậy là rất rất hiếm.
10. Ngay khi phát hiện ra con có những triệu chứng giống như bệnh tay chân miệng, mệt, sốt nhẹ, nổi bong bóng nước… như thông tin công bố; nếu nhà ở xa bệnh viện thì cách điều trị ban đầu cho cháu như thế nào?
BS Khanh: Nếu nghi ngờ bé bị bệnh tay chân miệng mà nhà ở xa bệnh viện thì phải theo dõi sát bé. Nếu bé vẫn ngủ vẫn sinh hoạt như khi chưa mắc bệnh thì 7-10 ngày bé sẽ tự khỏi. Trong thời gian này nếu thấy bé yếu tay chân, ngồi không vững, sốt liên tục, giật mình, chới với khi bắt đầu ngủ hay khi vừa mới nằm ngửa ra… thì bé này có khả năng biến chứng nên mang đến bệnh viện ngay. Khả năng biến chứng chỉ chiếm khoảng 10% trong tất cả các trẻ bệnh.
11. Tôi có 1 bé trai được 32 tháng tuổi, cách đây mấy ngày phát hiện cháu có nhiều mụn nước nhỏ, đưa đi Bệnh viện Nhi đồng 1 khám thì bác sỹ nói bị tay chân miệng sau đó kê toa thuốc để uống rồi cho về. Tôi có hỏi cháu có phải kiêng cữ gì không, bác sỹ nói không cần. Tuy nhiên trong toa thuốc không có thuốc bôi bên ngoài, cháu không sốt nhưng tôi vẫn rất lo lắng, một ngày tôi rửa ráy cho cháu 4 tới 5 lần nhưng chưa hết, giờ tôi phải làm sao để cháu nhanh khỏi? Xin nhờ bác sỹ tư vấn giúp.
BS Khanh: Trẻ bị bệnh tay chân miệng không cần kiêng cữ gì, các mụn nước bên ngoài da không cần bôi gì cả, việc vệ sinh những mụn nước này như bình thường, chỉ một ngày một lần là được. Bé không sốt là tiên lượng tốt. Bốn ngày thì chưa hết đâu, từ 7-10 ngày mới hết. Không có thuốc nào làm bệnh hết nhanh hơn.
12. Làm thế nào để phát hiện một cách sớm nhất bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ? Các biểu hiện mà cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết được là gì? Khi phát hiện cách xử trí tốt nhất là gì?
BS Khanh: Trẻ nhỏ không biết nói thường có biểu hiện ban đầu là bỏ ăn, chảy nước miếng nhiều, quấy khóc khi cho ăn là do bé có mụn nước trong miệng làm cho bé đau. Lúc này nên tìm thêm các dấu hiện bóng nước ở những nơi khác. Cách xử trí tốt nhất là theo dõi sát và phát hiện các dấu hiệu biến chứng để mang trẻ đến bệnh viện kịp thời.
13. Con tôi được 34 tháng tuổi đã đi nhà trẻ, bé bị tay chân miệng được 5 ngày, bé được bác sĩ cho uống vittamin A và viên ngậm kẽm đến nay các mụn nước đã lành nhưng vẫn còn nổi lên vài mụn nước. Vậy cho tôi hỏi: 1. Con tôi đã hết tay chân miệng hay chưa? 2. Bé có bị tái phát lại hay không? 3.Chăm sóc bé nhưng thế nào để phòng tránh tay chân miệng?
BS Khanh: Bé bị bệnh tay chân miệng 5 ngày thì có thể đã an toàn qua giai đoạn nặng nhưng tốt nhất phải theo dõi đến 10 ngày thì mới hết bệnh. Bé vẫn có thể mắc lại bệnh tay chân miệng do vậy việc vệ sinh khử khuẩn bằng xà bông khử khuẩn, phòng bệnh vẫn phải làm thường xuyên và rất có lợi vì nếu thực hiện việc này ngoài việc phòng ngừa bệnh tay chân miệng còn phòng ngừa nhiều bệnh khác như tiêu chảy cấp, cúm…
14. Con tôi bị bệnh tay chân miệng hồi 13 tháng (nay cháu 24 tháng). Xin hỏi bác sĩ: vậy cháu đã miễn dịch với bệnh chưa? Cháu có có khả năng nhiễm bệnh lại không? Khi cháu mắc bệnh, cháu chưa đi nhà trẻ, ít tiếp xúc bên ngoài, nhà giữ vệ sinh khá tốt lại bị bệnh, chị cháu đã đi trẻ, ở chung lại không bị bệnh. Xin hỏi là tại sao?
BS Khanh: Bé 13 tháng mắc bệnh tay chân miệng nay 24 tháng vẫn có thể mắc bệnh lại. Nếu bé lúc 13 tháng tuổi chưa đi nhà trẻ ít tiếp xúc bên ngoài, giữ vệ sinh tốt mà vẫn bị bệnh thì vẫn không lạ đâu.
Vi-rút này rất khó bị tiêu diệt bằng cách rửa tay thông thường. Bàn tay của người lớn, đồ chơi xung quanh trẻ vẫn có thể có vi-rút gây bệnh. Chị cháu ở chung không mắc bệnh nhưng cũng có thể là người mang mầm bệnh hoặc chị cháu bệnh rất nhẹ mà chúng ta không ghi nhận được.
14. Bác sĩ cho biết siêu vi trùng gây bệnh tay chân miệng diễn tiến như thế nào trong cơ thể?
BS Khanh: Vi rút gây bệnh tay chân miệng xâm nhập vào cơ thể từ thành họng đi xuống ruột xâm nhập vào máu phát tán ra môi trường xung quanh từ mụn nước, dịch mũi họng, phân, nước tiểu. 90% vi rút sẽ ra khỏi cơ thể sau một thời gian. Khoảng 10% vi rút sẽ tấn công vào vùng não tủy gây ra các biến chứng thần kinh hô hấp tim mạch rồi cũng tự hồi phục nếu bé không tử vong.
15. Tôi được biết khi mắc bệnh này hầu hết các trẻ đều có thể tự khỏi. Chỉ một số trẻ mới bị biến chứng sang não, hoặc suy hô hấp và có thể tử vong. Tỉ lệ biến chứng này là bao nhiêu? Và nếu phát hiện sớm liệu có thể ngăn chặn bệnh không để xảy ra biến chứng được không?
BS Khanh: Tỉ lệ biến chứng khoảng 10%, trong số ca có biến chứng thì tỉ lệ tử vong dưới 10%. Phát hiện sớm không ngăn ngừa biến chứng nhưng phát hiện sớm biến chứng điều trị thích hợp sẽ ngăn ngừa được tử vong.
16. Xin cho hỏi bé của em được 19 tháng, hiện đang cho bé đi nhà trẻ. Nhưng vẫn lo lắng, không biết có cách nào để phòng tránh được bệnh hay không, ngoài việc giữ vệ sinh sạch sẽ (vì bé của em có tật hay mút tay).
BS Thọ: Lo lắng khi trẻ đi nhà trẻ trong mùa dịch bệnh là chính đáng. Phòng bệnh là sự hợp tác giữa trường, cô giáo và phụ huynh.
Dù nhà trường, lớp học đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh và khử khuẩn nhưng nếu trong lớp có hiện diện trẻ bệnh thì việc lây bệnh vẫn có thể xảy ra. Để việc này không xảy ra phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của trẻ, khi phát hiện trẻ có dấu hiện bệnh thì nên để trẻ ở nhà và đi khám bệnh chứ không được đưa trẻ đến trường. Điều này là quan trọng để tránh lây truyền bệnh trong lớp học.
Để phòng bệnh chân-tay-miệng, việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ và người giữ trẻ là rất quan trọng. Trong đó, việc rửa tay với xà bông diệt khuẩn cần phải thực hiện thường xuyên, đặc biệt là sau khi trẻ chơi.
Ngoài ra, vì trẻ thường tiếp xúc với các đồ chơi, sàn nhà nên nhà cửa, đồ chơi, vật dụng… các bề mặt thường hay có tiếp xúc với bàn tay cần phải làm sạch mỗi ngày và định kỳ khử khuẩn.
Ngoài ra, phải hạn chế việc giữ trẻ bệnh và trẻ khỏe mạnh cùng một lúc, tránh để trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khỏe mạnh. Người giữ trẻ cần phải rửa tay với xà bông diệt khuẩn sau khi chăm sóc trẻ…
17. Cháu ở nhà đang bị sốt cao, nổi mẩn đỏ toàn thân và tai, chân; tay có những nốt đỏ to. Xin hỏi bác sĩ là đó phải là bệnh tay chân miệng, hay chỉ là sốt phát ban thông thường. Hiện tại cháu đã hết sốt và các mụn đỏ đang lặn dần. Thế có cần phải đưa đi bệnh viện kiểm tra không? Xin cảm ơn.
BS Khanh: Thường trẻ bệnh tay chân miệng không nổi đỏ toàn thân và nốt đỏ nhỏ chứ không to. Khi hết sốt, các mụn cũng bay dần thì khả năng mắc sốt phát ban là rất cao. Nếu trẻ hết sốt, mụn đỏ lặn đi và vẫn sinh hoạt ăn uống ngủ bình thường thì không cần phải đi bệnh viện để kiểm tra.
18. Cháu gái nhà tôi 21 tháng tuổi. 3 ngày nay cháu bị sốt cao (38 độ C), ăn kém, có nhiều vết loét trên miệng và lưỡi (ở lưỡi nhiều hơn), khi ngủ hay giật mình và quấy khóc. Xin bác sĩ cho biết cháu có phải bị bệnh tay chân miệng không hay là bệnh Hippit? Nên xử trí thế nào? Có cần đưa cháu đến bệnh viện hay có thể tự điều trị tại nhà? Rất mong nhận được câu trả lời sớm của bác sĩ.
BS Khanh: Bé lở miệng có thể là tay chân miệng mà cũng có thể là do héc bét (herpes). Muốn biết chắc phải đến thăm khám ở bác sĩ. Nếu trẻ ngủ giật mình thì khả năng tay chân miệng rất cao.
19. Con trai em nam nay được 3 tuổi rưỡi cách đây vài ngày bị âm ấm không sốt cao nhưng biếng chơi biếng ăn vì cổ họng bị đỏ và nứu răng bị sưng đỏ đi khám bác sĩ bảo rằng bị viêm apidan cấp, nhưng em thấy rất lo cho nên em xin thử máu và kết quả cho rằng không có vi rút tay chân miệng. Tuy vậy em vẫn rất hoang mang về bệnh tay chân miệng này, bác sĩ cho em cách điều trị và phòng ngừa. Cảm ơn bác sĩ!
BS Khanh: Hiện nay đa số BS nhi khoa đã được cập nhật thông tin tay chân miệng rồi. Nếu có thắc mắc thì đến BS y khoa tham vấn chứ không có xét nghiệm thông thường nào để biết bị nhiễm vi rút tay chân miệng.
20. Cháu bị tay chân miệng ở độ 2 thì có ảnh hưởng gì đến viêm màng não chưa? Tôi rất hoang mang.
BS Khanh: Tay chân miệng độ 2 là bắt đầu có ảnh hưởng đến thần kinh nhưng vẫn còn an toàn nếu không diễn tiến đến độ 3. Đa số bé bị độ 2 đều không có di chứng gì.
21. Xin hỏi hàng ngày tôi dùng trái chanh – vắt lấy nước cốt, hoặc dùng nước rửa tay Lifebuoy – hòa vào nước để lau nhà. Cũng với cách trên, mỗi tuần một lần, tôi rửa đồ chơi cho con. Xin hỏi tôi làm như vậy thay cho việc dùng dung dịch Chloramine có được không vì Trạm Y Tế Phường chỉ phát mỗi hộ gia đình 1 gói bột Choliramine để dùng cho 1 tháng (gồm 4 gói nhỏ 20g, một tuần lau 1 lần). Vả lại mùi của Cholramine như thuốc tẩy nên khi lau nhà hay rửa đồ chơi cho trẻ xong, có mùi hơi khó chịu?
BS Thọ: Cách bạn làm như mô tả, hiệu quả chưa được chứng minh. Bạn không nên áp dụng theo cách này. Cloramine B và nước javel khi sử dụng đều có mùi nồng đặc trưng gây khó chịu, vì vậy bạn có thể dùng các sản phẩm nước javel khác thay thế như: loại nước javel có thêm hương liệu tạo mùi thơm. Sản phẩm này có bán nhiều trên thị trường, trong các siêu thị.
22. Bé nhà tôi trước đây bị bệnh tay chân miệng rất nặng, sau này đã khỏi bệnh và được bác sĩ cho về nhà chăm sóc theo dõi. Tay trái của bé còn yếu và thỉnh thoảng hay la hét, giật mình vào ban đêm khiến tôi rất lo lắng, liệu bé có bị biến chứng nặng nữa không?
BS Khanh: Tay bé có thể yếu cả năm, chị nên tập thêm vật lý trị liệu để hồi phục nhanh hơn. Việc bé quấy khóc hay giật mình vào ban đêm sẽ giảm dần, có bé kéo dài triệu chứng này vài tháng.
23. Ngoài Cloramin B khử khuẩn hiện nay còn loại hóa chất nào khác để khử khuẩn bệnh tay chân miệng tiện lợi hơn mà không độc hại có bán tại các nhà thuốc trên cả nuớc? Xin cảm ơn.
BS Thọ: Bạn có thể dùng Cloramine B hoặc nước javel để khử khuẩn mà không phải lo ngại có tác dụng độc hại (nếu sử dụng đúng cách trong mục đích khử khuẩn).
Khử khuẩn cần tiến hành 2 bước:
Lau chùi đồ đạc, vật dụng, sàn nhà với dung dịch khử khuẩn pha sẵn, để trong 10 – 15 phút (diệt khuẩn). Lau lại bằng nước sạch và lau khô (xóa sạch các chất khử khuẩn đã sử dụng).
Bề mặt môi trường sau khi khử khuẩn là hoàn toàn sạch, không có chất độc hại.
24. Xin hỏi bệnh tay chân miệng có liên quan đến bệnh “lở mồm long móng” ở động vật không?
BS Thọ: Bệnh lở mồm, long móng ở động vật có móng là do một loài Enterovirus gây ra. Loài này hoàn toàn khác so với các loài virus đường ruột gây bệnh tay chân miệng ở người. Vì vậy hai bệnh này hoàn toàn khác nhau về nguyên nhân và đối tượng.
25. Con tôi đang bị bệnh tay chân miệng – nằm ở bệnh viện – tôi vẫn cho em của cháu 4 tuổi vào thăm, sau khi thăm tôi rửa tay mình và con bằng xà phòng diệt khuẩn Lifebuoy như vậy liệu có thể yên tâm?
BS Khanh: Chị cho con vô thăm bé bị bệnh tay chân miệng thì không nên. Thông thường người vào tiếp xúc với bệnh tay chân miệng (nhân viên y tế) có con nhỏ thì phải tắm, vệ sinh thay quần áo trước khi ra khỏi bệnh viện. Những người thăm nuôi bệnh nhân có trẻ nhỏ ở nhà thì cũng phải thực hiện như vậy mới không mang mầm bệnh về cho gia đình. Nói chung trẻ bị tay chân miệng hạn chế thăm nuôi.
Dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng cùng biện pháp chăm sóc hợp lý tại nhà cho bé trên đây với sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn sẽ giúp các cha mẹ chăm sóc con yêu của mình thật đúng đắn để bé mau khỏe lại và phát triển thật tốt nhé. mecuteo.vn chúc các bé nhà bạn luôn khỏe mạnh và vui vẻ.